Ngày xưa, ở trên núi Thiết Sơn có một cây táo rất to không biết mọc từ khi nào, chỉ biết rằng từ xưa tới nay, cây táo ấy chưa bao giờ ra quả. Sống dưới chân núi là chàng tiều phu Chí Hiếu. Mỗi ngày, anh đều lên núi kiếm củi bán lấy chút tiền mua cháo về cho mẹ.
Mẹ anh đã lớn tuổi và chỉ sanh hạ ra có một mình anh. Mấy tháng nay, bà bị bệnh nhưng không có nhiều tiền mua thuốc, bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Bà chỉ nằm trên giường, không đi đâu được cả. Điều này làm cho Chí Hiếu ngày càng lo lắng:
- Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ vì con không có nhiều tiền mua thuốc cho mẹ. Cứ để mẹ bệnh thế này, con lo lắng quá.
-
- Con ơi… con không có lỗi gì đâu. Nhà mình nghèo thì lấy đâu ra tiền… Ngày nào con cũng lên núi kiếm củi đã vất vả lắm rồi. Thôi… Mẹ không sao. Mẹ cũng già rồi, sớm muộn gì cũng về với đất thôi con ạ.
- Mẹ… mẹ đừng nói vậy, con sợ lắm, huhu. Mẹ hãy cố chịu đau nha mẹ, con sẽ nghĩ ra cách gì đó mà…
Trên cao, vầng trăng tỏa đầy ánh sáng vào gian nhà ọp ẹp của anh. Anh đang kể chuyện để mẹ khuây khỏa cơn đau, đợi mẹ ngủ rồi anh ra sân ngắm trăng
- Ui chao! Ðêm nay trăng đẹp quá. Gía mà mẹ mình mau khỏe lại, có thể ngắm được khung cảnh tuyệt vời này thì hay biết mấy.
Vừa nói xong, trước mặt anh bỗng xuất hiện một hào quang chiếu sáng. Chí Hiếu cố nhìn cho rõ rồi thốt lên:
- Ôi, là một ông Bụt. Mình… mình có đang nằm mơ không nhỉ?
Ông Bụt mặc áo dài trắng, râu tóc trắng như bạc, từ từ tiến đến gần Chí Hiếu. Chí Hiếu vội lùi lại, ông Bụt lên tiếng:
- Chí Hiếu, con đừng sợ hãi! Ta là ông Bụt ở núi Thiết Sơn. Hôm nay vì cảm động tấm lòng hiếu thảo của con mà ta đến đây để chỉ con tìm phương thuốc cứu mẹ.
- Dạ, thật…thật thế ạ? Nhưng… mẹ con bệnh đã lâu, có phương thuốc nào cứu mẹ con được sao ông?
- Có, có chứ. Sáng mai con hãy đến cây táo ở trên núi Thiết Sơn mà hái táo về cho mẹ ăn. Đảm bảo có bệnh chi cũng hết cả.Nhưng… nhưng cây táo ấy từ trước tới nay chưa ra một quả nào, ông Bụt nói thật chứ?
- Ta không nói dối ai bao giờ. Hãy nghe theo lời ta, đừng nghi ngờ gì cả. Cây táo đó sở dĩ lần này có trái là vì cảm thông lòng hiếu của con đối với mẹ già. Vậy nên con mau mau hái trái táo về chữa cho mẹ đi!
Chí Hiếu nghe xong, trong lòng vô cùng vui mừng, liền quỳ xuống bái tạ ông Bụt:
- Con cảm ơn ông nhiều lắm. Con sẽ không bao giờ dám quên ơn của ông.
Ông Bụt đỡ anh dậy và vui vẻ an ủi:
- Đừng mang ơn gì ta cả. Nhưng con hãy hứa với ta rằng, chỉ hái táo đủ dùng thôi. Chớ đừng tham lam hái nhiều quả hoặc dùng nó sai mục đích, con sẽ nhận lại hậu quả khó lường đấy.
- Dạ, con xin hứa, con xin hứa ạ.
- Được rồi, ta đi đây, tạm biệt con…
Chí Hiếu cuống quýt thụp lạy ông Bụt hai ba lần không ngớt, khi ngẩng đầu lên thì ông Bụt đã đi đâu mất. Ðêm đó, anh hồi hộp quá không sao ngủ được. Sáng hôm sau, khi vừa nghe tiếng gà gáy, Chí Hiếu vội vã xuống giường, mở cửa rồi đi một mạch lên núi Thiết Sơn, nơi có cây táo thần.
- Để mình xem có quả táo chín đỏ nào như lời ông bụt nói đêm qua không nhỉ?
- Ây… mình quên xin phép mẹ rồi. Nhỡ sáng nay mẹ thức dậy không thấy mình, mẹ lo lắng thì sao nhỉ? Ôi.. mình phải quay về với mẹ thôi.
- Nhưng… nhưng mà, mình phải mau chóng đi hái quả táo về cứu mẹ trước đã. Về nhà mình sẽ kể lại mọi chuyện cho mẹ sau.
Nói rồi, anh đi thật nhanh đến đỉnh núi. Phong cảnh núi Thiết Sơn lúc này sương lam còn phủ kín dày đặc. Dù trời chưa sáng rõ, nhưng đôi chân Chí Hiếu vẫn bước không ngừng, xuyên qua đèo ngang, rồi ghềnh đá, quyết tâm đi tìm quả táo mà Ông Bụt đã nói tối qua. Với sự quyết tâm đó, cuối cùng anh cũng đã leo đến đỉnh núi. Lúc đó, mặt trời vừa đứng giữa đầu. Anh ngửa mặt lên nhìn cây táo, trong đám lá xanh lộ ra trái táo to bằng vóc tay và chín đỏ như son. Anh reo lên:
- A ha ! Quả táo đây rồi. Ông Bụt đã không gạt mình.
- Con xin trăm lạy ông Bụt vì đã mở đường cứu vớt người khổ, người bệnh. Xin tán dương công đức của Người…
Anh vừa nói xong thì trên cành cây táo bỗng nhiên xuất hiện thêm nhiều quả táo nữa.
- Ôi… đúng là cây táo thần, nhiều táo quá, nhiều táo quá…
Chí Hiếu mừng quá, anh ra sức trèo lên cây hái táo. Khắp người anh mồ hôi nhễ nhại tuôn ra, làm ướt cả áo. Nhớ lời ông Bụt, Chí Hiếu hái đúng một quả táo và thoăn thoắt đi thẳng một mạch về nhà. Anh vào ngay phòng mẹ nằm, đỡ mẹ dậy và mừng rỡ nói:
- Mẹ ơi.. mẹ ăn quả táo này đi. Ăn rồi sẽ hết bệnh mẹ ạ.
- Qủa táo này ở đâu ra vậy con?
- Tối qua, lúc con đang ngắm trawg thì có một vị ông Bụt hiện ra và bảo con lên núi Thiết Sơn hái táo về chữ bệnh cho mẹ đấy ạ.
Chí Hiếu kể lại hết mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ anh hết sức ngạc nhiên:
- Ôi! Chúng ta may mắn quá…
Bà cụ tạ ơn ông Bụt trên núi Thiết Sơn, rồi cầm quả táo đưa lên miệng ăn. Một mùi hương ngào ngạt xông lên, khi bà cắn một miếng táo thì quả táo bỗng tiết ra một thứ nước vừa mát vừa ngọt. Tưởng chừng như nước đó chạy khắp cơ thể làm cho khoan khoái các cơ quan trong người. Chỉ trong phút chốc mà mẹ của Chí Hiếu nằm liệt giường mấy tháng nay, bỗng nhiên ngồi nhỏm dậy và tập tễnh từng bước nhỏ đi ra đến cửa.
- Con ơi, mẹ… mẹ đi được rồi này.
- Kì diệu quá mẹ ơi, kì diệu quá! Đúng là quả táo thần. Trong làng mình còn nhiều người bệnh, con… con sẽ hái táo về chữa bệnh cho mọi người mẹ ạ.
- Vậy thì tốt quá! Giúp đỡ người khác là một việc nên làm con ạ
Tin này đồn đi, trong vài ngày khắp vùng đều biết nhà Chí Hiếu có quả táo thần. Mọi người kéo nhau đến nhà Chí Hiếu xin anh cứu chữa. Chí Hiếu liền lên núi Thiết Sơn hái thật nhiều táo đem về chia cho mọi người, quả nhiên ai ăn xong cũng đều khỏi bệnh.
Một hôm nọ, anh nghĩ bụng:
- Càng ngày mọi người đến đây xin mình quả táo thần càng nhiều. Tại sao mình không bắt bệnh nhân đóng một phần tiền phí về công mình đi hái táo nhỉ?
Nghĩ rồi, anh liền yêu cầu mọi người phải trả tiền thì anh mới cho táo. Nhờ đó, Chí Hiếu thu vào rất nhiều tiền, càng nhiều tiền anh lại càng tham lam hơn nữa. Ban đầu, anh chỉ thu mỗi người 50 ngàn 1 quả táo, sau đã thu tới 500 ngàn. Mẹ anh thấy vậy bảo:
- Con à, sao con thu nhiều tiền thế con? Con đã quên lời hứa với ông Bụt rồi sao?
- Mẹ ơi, không sao đâu. Con làm vậy để nhà mình có nhiều tiền, lúc ấy mẹ con mình sẽ sống thật sung sướng, được ăn nhiều món ngon hơn mẹ ạ.
- Nhưng mà… nhưng mà…
- Mẹ nghỉ ngơi đi, con có cách của con mà, mẹ yêm tâm nha.
Mẹ anh có khuyên đến mấy, anh cũng không nghe lời. Lúc này, anh chỉ nghĩ làm cách nào để mau giàu chứ không còn tỏ lòng thương xót hoàn cảnh của ai nữa hết. Thấm thoát trong vòng mấy tháng, một anh tiều phu nghèo nàn bỗng nghiễm nhiên trở nên một vị giàu có nhất vùng.
Một hôm, có một cô gái tiến vào quỳ dưới đất cầu khẩn van xin Chí Hiếu:
- Trăm lạy ông! Ngàn lạy ông! Xin ông bố thí cho tôi một trái táo thần để về dâng mẹ. Mẹ tôi đang hấp hối, chỉ còn trông đợi ở táo thần của ông cứu mạng mẹ tôi!
- Ngươi có tiền không? Ngươi trả tiền thì ta mới đưa táo.
- Thưa… thưa ông, tôi đã đem hết tiền mua thuốc thang cho mẹ, nhưng bệnh của mẹ vẫn không hết. Bây giờ tôi chẳng còn một đồng nào cả. Xin ông thương xót mẹ tôi… Tôi không bao giờ dám quên ơn ông đâu.Không được. Ngươi không có tiền thì về đi. Huhu… tôi xin ông… tôi xin ông…
- Không được, ta đã nói là không được, không có tiền ta không cho táo đâu.
Mặc cho cô gái nức nở khóc than, Chí Hiếu nhất quyết không cho táo, anh lắc đầu bỏ đi. Cô gái không biết làm sao đành thất vọng đứng lên đi về.
Ðêm hôm đó, Chí Hiếu cũng ra ngoài sân ngắm trăng như mọi khi. Bỗng xuất hiện một ánh hào quang, là ông Bụt áo trắng râu bạc ngày trước. Nhưng ông Bụt lần này không tươi cười mà trái lại hiện ra với sắc mặt nghiêm nghị bảo anh:
- Này Chí Hiếu! Người thiếu nữ đến nhà ngươi sáng hôm nay có hoàn cảnh đáng thương biết bao. Sao ngươi không cho táo mà đòi tiền, như vậy thật tham lam quá mức. Từ nay, cây táo không ra quả cho ngươi nữa, những gì ngươi hưởng từ trước tới nay, ta sẽ thu về hết!
Nói xong, ông Bụt biến mất. Sáng hôm sau, Chí Hiếu thức dậy, vội vã leo lên núi Thiết Sơn hái táo thì cây táo đã bị nhổ đi, cành lá xơ xác, chẳng còn một quả táo nào.
- Ôi… cây táo bị phá hủy rồi à, tiếc quá, tiếc quá.
Chí Hiếu lủi thủi ra về, trong lòng rất buồn nhưng anh tự nhủ:
- Thôi, mất cây táo cũng không sao. Ta vẫn còn rất nhiều tiền ở nhà mà.
Khi về đến nhà thì bỗng lạ thay! Cửa nhà là một túp lều tranh y nguyên như khi trước, còn lâu đài mới xây cất tráng lệ thì chẳng còn lưu lại một vết tích gì cả! Ngay chiếc áo bằng thứ vóc đắt tiền mà anh mặc trên mình lúc này cũng chỉ còn là một cái áo rách vá của anh vẫn mặc khi xưa! Nằm trong nhà, trên chiếc võng là mẹ anh đang đau đớn vì bệnh tật.
- Ôi… huhuhu, sao lại ra nông nỗi thế này. Chỉ vì tham lam mà mình đã mất tất cả. Huhuhu…
Anh đứng ngắm nghía cơ nghiệp đã mất, lòng vô cùng hối hận nhưng đã muộn màng.
Trong câu chuyện vừa rồi, chúng ta thấy đó, anh chàng tiều phu Chí Hiếu vì tham lam mà cuối cùng đã mất đi tất cả những gì mình có. Đây là một bài học nhân quả đấy các con ạ. Do ươm hạt giống không tốt nên cuối cùng đã nhận lại quả không tốt. Gía như anh ấy không tham lam thì mẹ của anh đã hết bệnh
Tham lam là một thói quen không tốt. Cô lấy ví dụ, khi được người lớn cho bánh kẹo, các con chỉ nhận đúng số bánh kẹo được cho, đừng nhõng nhẽo vòi vĩnh thêm nha. Hoặc khi mình chuẩn bị ăn cơm với ba mẹ, hãy mời ba mẹ ăn cơm trước rồi hãy ăn, chứ đừng vội vàng ăn thật nhiều đồ ăn trên bàn. Hãy sống chan hòa, biết sẻ chia với người khác để con ươm mầm đạo đức ngay từ những việc nhỏ nhất các con nhé.
Cuối cùng cũng chẳng được gì
Mất đi tất cả chỉ vì tham lam
Bé ơi bé hãy nhớ nha
Luôn sống chia sẻ, chan hòa, yêu thương
Hạnh phúc là biết khiêm nhường
Niềm vui rải khắp nẻo đường con đi.
Cô Bồ Công Anh chúc cho các con luôn học giỏi, chăm ngoan và trở thành những cô bé, cậu bé dễ thương được nhiều người yêu mến. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những chương trình “ƯƠM HẠT GIỐNG LÀNH” kỳ sau nha.
Mến chào tạm biệt các con!
Chương trình do Công ty Cổ phần Truyền thông Giáo dục Thương mại Dịch vụ PHƯƠNG MINH thực hiện.