Ngày xưa trong một khu rừng ven bờ sông Hằng xuất hiện một con Nai. Nai có sừng màu trắng, da óng ánh vàng rất đẹp.
Nai nghe và nói được tiếng người. Thú trong rừng quây quần bên Nai và xem Nai như một người mẹ hiền. Núi rừng vì thế rất thanh bình.
Một sáng mùa thu, rừng vừa qua cơn mưa lớn. Nước sông Hằng chảy mạnh. Nai xuống bờ sông uống nước. Bỗng một tiếng kêu cứu từ xa vọng lại:
- Ai cứu tôi với! Cứu tôi với! Tôi sắp chết đuối mất…. Cứu tôi vớiii…
Tiếng kêu càng lúc càng rõ. Nai ngước mắt nhìn ra giữa dòng sông Hằng hung bạo. Một người đang chới với trên một thanh củi mục. Nai lao nhanh xuống dòng nước lũ không ngần ngại nguy hiểm. Nai lướt qua sông lớn và cõng người kia lên bờ. Người kia tỉnh lại, ngạc nhiên vô cùng khi biết một con Nai tuyệt đẹp đã cứu mình thoát nạn. Quá cảm động, anh quỳ xuống nói:
- Hỡi Nai thần, tôi không biết làm sao để nói lên lời biết ơn với tất cả tấm lòng. Ngài đẹp lắm, nhưng chính lòng vị tha của Ngài mới đẹp hơn cả. Tôi không biết phải trả ơn Ngài ra sao…
Nai hiền rưng rưng nước mắt. Nai nói:
- Ông ơi, lòng biết ơn của ông đã làm cho tôi vô cùng sung sướng. Ông không cần trả ơn tôi đâu. Ông còn vợ con ở nhà, chắc họ đang nóng lòng chờ đợi. Nhưng ông đừng đem chuyện gặp tôi đây mà nói lại với ai, họ sẽ không ngại gì mà đến tìm bắt tôi. Hãy sống vì đời, vì người. Là thú rừng, tôi không biết nói lời gì đẹp đẽ hơn.
Người kia hứa chắc với Nai, lạy xong anh lên đường về nhà.
Lúc anh về đến kinh thành chính là lúc Hoàng hậu vừa chiêm bao thấy một con Nai vàng kỳ lạ. Mình Nai gắn đầy châu ngọc, da vàng óng ánh. Hoàng hậu liền đem chuyện ấy kể với nhà vua.
- Tâu Bệ hạ, thần thiếp nghĩ không còn vật chi quý giá hơn con Nai vàng trong mộng ấy. Nếu vườn thượng uyển này mà có nó thì còn gì bằng. Bệ hạ hãy tìm cách bắt nó về cho thần thiếp đi!
Vua cũng từng nghe trong sử có chuyện một con Nai vàng mình đầy châu ngọc. Đã nhiều người thấy nó, nhưng không biết bây giờ ở đâu. Sau khi nghe kể, Vua tin ngay lời Hoàng hậu, thế là vua cho truyền khắp nước:
“Nếu ai bắt được Nai ngọc, hay chỉ cho người khác bắt, vua sẽ thưởng cho quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”.
Người được Nai cứu nghe được lời truyền rao của nhà vua, lòng tham nổi lên. Gia đình anh vì quá nghèo khổ, vợ con đã hai hôm rồi nhịn đói. Cả nhà làm lụng vất vả mãi mà vẫn không lúc nào no đủ.
- Nhưng lời mình đã hứa với Nai thì sao?
Trong lòng anh bỗng nổ ra một trận chiến gay go giữa quỷ tham lam và thiên thần tốt bụng.
Thiên thần tốt bụng nói: “Anh ơi, anh đừng quên ơn cứu mạng của Nai hiền? Nếu không có Nai thì bây giờ anh có còn sống không?”
Nhưng quỷ tham lam nhỏ to mời gọi: “Hãy chỉ chỗ của Nai đi! Anh sẽ được vinh hoa phú quí, có thật nhiều vàng và gấm lụa, vợ con anh sẽ được no đủ đó”.
Lòng anh trở nên rối bời, anh không biết nên theo đạo đức hay giàu sang, trung thành hay phản bội. Cuối cùng, quỷ tham lam đã thắng. Một chút lương tâm còn sót lại trong lòng, anh tự nhủ:
- Ta sẽ chỉ chỗ Nai ở cho nhà vua. Biết là không tốt nhưng ta phải thoát cảnh nghèo và cho vợ con sung sướng mới được.
Anh cười lên sặc sụa, gương mặt anh từ hiền lành chất phát bỗng trở thành xấu xí. Anh vào cung tâu vua biết chỗ ở của Nai hiền. Vua ra lệnh đi săn Nai ngay buổi chiều ấy, khu rừng bị quân lính nhà vua vây kín. Đàn chó dữ ào ạt sủa vang động cả một vùng. Chúng lục lội từng hóc núi, bụi lùm để lần ra dấu vết của Nai.
Nai tỉnh giấc và biết mình không thể thoát khỏi tay người hung ác. Để bảo vệ cả đàn, Nai liền xuất hiện trước mặt nhà vua. Cũng vừa lúc ấy, vua và người nông dân sờ sững.
Anh đưa tay chỉ thẳng vào Nai:
- Đấy, Bệ hạ! hãy xem kìa, con Nai vàng kia thật kỳ lạ! Nó đẹp như một vị thần!
Những tia nắng cuối của buổi chiều sắp tàn, chiếu lên mình Nai lộng lẫy, từng hàng châu ngọc lóe sáng muôn màu. Vua nhìn Nai đẹp một cách say mê. Cung tên đã sẵn sàng, bọn lính định bắn quỵ linh thú, nhưng vua liền ngăn lại:
- Đừng bắn, hãy bắt sống cho ta!…
Nhưng chưa đuổi bắt thì Nai đã tự dẫn mình đến trước mặt vua và nói lớn:
- Thưa Ngài, tôi không hiểu tại sao Ngài có thể tìm được chỗ trú của tôi!
Nhà vua ngạc nhiên và sửng sốt vì Ngài chưa từng thấy con Nai nào lại biết nói tiếng người. Vua đáp:
- Hỡi Nai thần, chính người này đã chỉ cho ta.
Mặt Nai và vua đồng một lúc quay về người nông dân. Bỗng nhà vua kêu lên kinh hãi. Mặt người kia chỉ trong một khắc trở thành lở loét.
Nai lên tiếng:
- Thưa Ngài, người này trước kia đã được tôi cứu khỏi chết đuối, nhưng y đã quên lời hứa mà chỉ chỗ của tôi cho vua.
Vua chợt hiểu. Ngài bỗng thấy ghét cay ghét đắng người nông dân. Quay mũi tên về phía anh nông dân, vua hét lên dữ dội:
- Kẻ vong ân bội nghĩa kia, ta sẽ trị tội ngươi…
Nhưng Nai hiền đã đến phía trước. Nai biến thành bình phong che chở cho người kia. Nai nói với vua:
- Không nên Ngài ạ! Chính gương mặt lở loét kia đã trừng phạt y nhiều lắm. Tôi xin Ngài hãy tha cho y.
Nhà Vua liền hiểu ngay chú Nai ngọc này chính là một con Nai thần. Ngài thấy kính phục đức hạnh của Nai tột cùng. Ngài kêu lên:
- Đối với kẻ mưu hại mình Nai còn tỏ lòng từ bi cao cả như thế. Nai ơi, tấm lòng Nai thật cao thượng…
Rồi vung tay ra hiệu, vua hét vào tai tên phản bội:
- Ta tha cho ngươi. Hãy đi đi…
Người nông dân lầm lũi bỏ đi, mặt cúi xuống đất, lòng anh ta vô cùng ân hận vì lòng tham lam và sự vô ơn của mình.
Nhà vua cung kính nói trước Nai:
- Thưa Ngài, Ngài đã hoàn toàn tự do. Từ nay, không ai trong nước này lại động đến thân Ngài nữa.
Thế rồi vua từ giã Nai, kéo quân về cung. Về đến cung điện, Hoàng hậu chạy ra mừng rỡ:
- Sao rồi Bệ hạ? Ngài chắc chắn đã bắt được con Nai thần về cho thần thiếp phải không?
- Ồ, ta đã thả nó đi rồi.
- Ôi, sao lại thế? Ngài đã hứa bắt con Nai về cho thần thiếp mà….
- Xin nàng đừng buồn. Ta sẽ kể lại mọi chuyện cho nàng nghe…
Nghe xong mọi chuyện, Hoàng hậu bày tỏ lòng xúc động:
- Thần thiếp đã hiểu rõ mọi chuyện rồi. Hành động của Nai thần cao cả quá, từ nay thần thiếp không còn ý muốn sở hữu Nai thần nữa thưa Bệ Hạ.
Khu rừng trở lại thanh bình như xưa. Và đêm đêm, lúc trăng ngà dọi bóng xuống rừng hoang, đàn thú hiền lành quây quần chung quanh Nai như để nghe lời giảng đạo.
Qua câu chuyện vừa rồi, các con thấy đó, người nông dân vì không giữ lời hứa và biết ơn Nai hiền đã cứu mình nên ông ta đã nhận lấy hậu quả không tốt. Nhưng đến cuối cùng, Nai hiền vẫn đứng ra bảo vệ ông ấy, các con có thấy chú Nai dũng cảm và giàu tình thương không? Các con nghĩ gì về hành động của chú Nai?
Đối với những việc làm hàng ngày ở trong đời sống cũng như thế, các con phải luôn giữ lời hứa và nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình, chớ đừng như người nông dân tham lam kia. Con hãy biết ơn từ những thứ nhỏ nhất như biết ơn đồ ăn con được ăn, biết đơn đôi dép xinh con mang đi
học, biết ơn chiếc áo ấm sáng nay ba đưa cho con khi trời lạnh,… và đến những điều lớn hơn như biết ơn cơ thể đã cho con khỏe mạnh, biết ơn thầy cô đã dạy dỗ con, biết ơn bạn bè giúp đỡ con trong học tập,… Khi nào lòng biết ơn còn có mặt thì hạnh phúc vẫn còn.
Và một điều nữa, các con hãy nhớ thiên nhiên chính là người bạn quý của chúng mình. Nơi đó có rất nhiều động vật và thực vật chung sống thanh bình với nhau. Chúng ta phải bảo vệ bạn ấy thật tốt. Khi các con có tâm từ với thiên nhiên, với các loài động vật thì các con sẽ càng nuôi dưỡng tâm hồn đồng cảm, thương yêu thật tốt với người khác, với đồng loại.
Chú Nai hiền tốt bụng
Đã cứu bác nông dân
Bác vì tham châu báu
Mà bội nghĩa vong ân.
Nhưng Nai vẫn tha thứ
Bảo vệ người quên ơn
Chẳng tỏ ra hung dữ
Cũng không chút giận hờn.
Các con ơi, nhớ nhé
Cùng giúp đỡ bạn bè
Tình thương là tất cả
Hãy sẵn sàng thứ tha.
Chúc cho các con thật khỏe mạnh, học ngoan và lớn khôn trong tình yêu thương của tất cả mọi người. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những chương trình “ƯƠM HẠT GIỐNG LÀNH” kỳ sau nha.
Mến chào tạm biệt các con!
Chương trình do Công ty Cổ phần Truyền thông Giáo dục Thương mại Dịch vụ PHƯƠNG MINH thực hiện.
Phương Minh