Ngày xưa, tại thành Chiếu Diệu, có một người nghèo khổ, sống lang thang, xin ăn khắp các nẻo đường. Mọi người trong thành đều vui vẻ giúp đỡ, duy chỉ có gia đình ông phú hộ là luôn tỏ ra khinh rẻ ông ấy.
Ông phú hộ này thừa hưởng một gia tài giàu có của tổ tiên để lại, nhưng vô cùng keo kiệt và hung dữ. Trong nhà ông ít khi đầm ấm, mà thường xuyên xảy ra những trận cãi vã, mắng nhiếc nhau. Vì vậy, những người hàng xóm không ai muốn đến gần gia đình ông cả.
Hôm ấy, người hành khất đi ngang nhà, run rẩy chìa cái bát ra trước mặt ông phú hộ:
- Ông ơi, tôi đói quá! Ông cho tôi xin một ít thức ăn được không ông?
Nghe thế, ông phú hộ vừa bịt mũi vừa xua đuổi một cách nặng lời:
- Ôi ôi! Tránh xa tôi ra!
- Ở đây chúng tôi không tiếp xúc với hạng người vừa nghèo khổ vừa hôi hám như ông! Mau đi đi!
Thế là, thay vì nhận được phẩm vật bố thí như các nhà kia, thì ở đây người hành khất chỉ nhận toàn những lời nguyền rủa, xua đuổi. Ngày nào cũng như ngày nào, hễ thấy người hành khất dừng bước trước nhà, thì ông phú hộ đều mắng nhiếc thậm tệ.
Hôm nay, người hành khất vừa đến cửa, thì bà phú hộ cũng vừa đi ra, nhưng lần này bà nói một câu nhẹ nhàng, khác xa những lần trước:
- Thưa ông, ông hãy đi nơi khác để xin. Ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu, xin đừng đứng lâu mà mất thì giờ của ông.
Người hành khất rất ngạc nhiên, ông đứng đó vài phút rồi đi tiếp, chợt gặp ông phú hộ đi ngược chiều trở về nhà. Thấy người hành khất quen thuộc, ông chặn lại hỏi:
- Này, ông mới vào xin nhà tôi phải không?
Người hành khất trả lời:
- Dạ phải, thưa ông!
- Vậy nhà tôi có cho gì không?
- Dạ thưa! Có cho.
Vừa nghe hai tiếng “có cho”, ông phú hộ nổi cơn tức giận, chạy ngay vào nhà hỏi vợ:
- Bà kia, ai bảo bà mang đồ cho người ăn xin vậy?
Bà vợ nghe chồng lớn tiếng thì lấy làm dửng dưng:
- Ai nói ông đấy?
- Ông lão ăn xin hồi nãy chứ ai!
- Ồ, tôi nào có cho ông ấy thứ gì đâu!
- Không cho sao ông ấy nói “có cho”?
- Nếu không tin ông chạy theo mà kiểm tra.
Ông phú hộ lập tức đuổi theo người hành khất. Rồi ông giựt lấy cái bát của người hành khất mở ra xem. Nhưng ông không thấy thứ gì cả, ông liền ném bát xuống đất và mắng:
- Đã nghèo khổ mà còn nói dối! Nhà tôi có cho gì đâu mà nói có cho?
Người hành khất đáp:
- Xin ông đừng tức giận… Thưa ông, bao nhiêu lần đến xin ăn nhà ông, tôi đều nhận được toàn những lời nguyền rủa thô tục. Nhưng sáng nay, khi tôi vừa đến trước cửa nhà, thì bà chủ nhà đã cho tôi một câu nói nhẹ nhàng rằng: “Thưa ông, ông hãy đi nơi khác để xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu, xin đừng đứng lâu mà mất thì giờ của ông”. Và tôi xem lời nói đó như là một món quà đặc biệt.
Nghe người hành khất nói, ông phú hộ vô cùng xấu hổ. Ông cúi xuống lượm chiếc bát đặt lại trên tay người hành khất, rồi lẳng lặng trở về, trong lòng suy nghĩ miên man. Ðến nhà, ông gọi vợ:
- Này bà, từ trước tới nay, nhà ta có cho gì người ăn xin không?
- Ông chẳng nhớ sao, ông ấy đến là mình mắng nhiếc, xua đuổi đi chứ có cho vật gì.
- Thôi, kể từ đây mình đừng như thế nữa bà nhé! Chúng ta đã không cho đồ đạc, của cải thì thôi, cũng đừng dùng lời lẽ nặng nề mà mắng nhiếc ông ấy nữa. Ông ta có tội tình gì mà phải nghe những điều sỉ nhục, mạt sát của mình.
- Ông ơi! Chúng ta đã đối xử với ông ấy không phải… Tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình rồi ông ạ!
Kể từ hôm đó, ở gia đình ông phú hộ, người ta không còn nghe những lời to tiếng, những trận cãi vã nữa, mà đời sống dần thuận hòa trên dưới, không khí gia đình trở nên đầm ấm, hạnh phúc hơn. Mỗi khi người hành khất có dừng trước cửa nhà, họ cũng không còn mắng nhiếc ông ấy nữa. Họ sẵn sàng mời ông vào nhà, thiết đãi ông những món ăn ngon, và tôn trọng, lịch sự với ông, để bù đắp những tổn thương mà người hành khất đã chịu đựng suốt bao ngày tháng qua. Và cũng kể từ đây, gia đình ông phú hộ đã biết cách đối xử tốt với mọi người xung quanh. Nhờ vậy, bà con láng giềng thường hay lui tới, mối tình lân cận càng trở nên thắm thiết.
Các con ơi, trong câu chuyện trên, hai vợ chồng ông phú hộ đã xem người hành khất là một người khốn khổ nhất, thấp hèn nhất. Thế cho nên, họ đã chê bai và mắng nhiếc ông một cách thậm tệ. Để rồi cuối cùng họ nhận ra, lời nói và hành động không tốt của mình đã làm tổn thương người khác, thậm chí khiến mọi người đều sợ hãi và xa lánh. Chỉ khi biết thay đổi thái độ, họ mới được mọi người tôn kính và quý trọng. Nhờ đó mà cuộc sống của họ cũng trở nên hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn.
Các con ạ, trong cuộc sống, chúng ta đừng dùng những lời nói hay hành động không tốt với người khác. Ngay cả đối với một người hành khất, chúng ta cũng phải luôn thể hiện thái độ kính trọng và lịch sự với họ. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã từng nhắn nhủ rằng:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám, úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.
Qua lời dặn dò này, chúng mình thấy đó, chúng ta cần phải có tình yêu thương và biết quý trọng mọi người. Không chỉ giúp đỡ những người hành khất về vật chất, một người biết yêu thương còn phải biết đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu, để không gây ra những tổn thương tinh thần cho họ. Bởi vì những người hành khất, vì lí do nào đó mà họ phải rơi vào hoàn cảnh không mong muốn. Chính vì thế, các con hãy luôn yêu thương, sẻ chia, tôn trọng mọi người xung quanh mình, đừng chê bai ngoại hình hay hoàn cảnh của người khác, các con nhé!
Còn bây giờ, chương trình đến đây là kết thúc rồi. Cô mến chào tạm biệt và hẹn gặp lại các con trong câu chuyện kì sau!
Phương Minh