Ở nhà của bạn Sóc Vàng có rất nhiều đồ chơi, trong đó có một cái trống vừa to vừa đẹp. Nhưng không vì thế mà Sóc Vàng giữ cái trống chơi một mình. Vào những đêm trăng sáng, dưới hàng cây thông reo vi vu, Sóc thường mang trống ra đánh. Mọi vật trong khu rừng chạy đến, cùng nhảy múa, ca hát theo tiếng trống nhịp nhàng. Tất cả các bạn ai cũng chơi đùa vui vẻ và rất nâng niu cái trống của Sóc, duy chỉ có Báo là vừa ích kỷ, lại vừa tham lam. Một lần nọ, lúc Sóc Vàng đang đánh trống cho các bạn cùng nhảy múa, Báo đã dùng sức mạnh cướp trống chơi một mình.
Thỏ con tiếc nuối:
- Chúng ta bị cướp mất trống rồi, vậy là không còn được nghe tiếng trống mỗi đêm trăng sáng nữa…
Gấu Nâu giận dữ:
- Tức quá à! Làm sao lấy lại trống bây giờ?!
Bác Voi liền xung phong đi đòi lại trống, bác bảo:
- Để bác. Để bác đi lấy trống về cho.
Sóc Vàng hốt hoảng:
- Ôi, không được đâu bác Voi ơi! Báo rất hung hăng, nó sẽ làm bác bị thương mất!
- Cháu yên tâm, bác to hơn Báo mà, chắc chắn bác sẽ lấy lại được trống cho cháu.
- Hoan hô bác Voi! Hoan hô bác Voi! – Các con vật trong khu rừng đồng thanh nói.
Thế rồi bác Voi đi đến nhà Báo, thấy Voi, Báo giả vờ hỏi:
- Qúy hóa quá, ngọn gió nào đưa bác đến nhà tôi chơi thế?
- Tôi không có nhiều thời gian để trò chuyện với anh đâu, anh Báo à. Anh mau trả lại cái trống cho chúng tôi, nếu không, tôi sẽ dạy cho anh một bài học nhớ đời đấy.
Nghe thế, Báo ta phá lên cười:
- Haha, đòi lại trống? Cái trống nào? Bác Voi già lẩm cẩm rồi hả?
Bác Voi tức quá, bác không trả lời Báo nữa mà dùng cái vòi thổi thật mạnh, lập tức bụi bay mịt mù. Không dừng lại ở đó, bác Voi còn dùng 2 cái ngà dài nhắm vào Báo mà tấn công. Báo ta thấy thế chạy thật nhanh rồi leo tót lên cành cây. Nhờ lợi thế leo trèo, chẳng mấy chốc Báo đã leo lên một nhánh cây to, còn bác Voi thì không thể nào với tới Báo được. Báo lại phá lên cười:
- Hahaha, lên đây… lên đây mà lấy lại trống này. À, mà phải rồi, con Voi ngu ngốc nhà ngươi làm sao có thể trèo cây như ta. Hahaha… mau cút đi!
Cuối cùng, bác Voi cũng không thắng nổi Báo đành thất thỉu quay trở về. Lần kế tiếp, Gấu Nâu xung phong lên đường, nhưng cũng phải trở về tay không.
Hôm nay trăng rằm đẹp quá, nhưng mọi vật đều buồn thỉu buồn thiu vì không được hát ca xung quanh tiếng trống của Sóc Vàng. Thấy thế, Rùa bèn xin đi lấy trống. Sóc Vàng can ngay:
- Hả? Bạn Rùa, sao bạn liều thế? Bác Voi và Gấu Nâu to lớn hơn bạn gấp nhiều lần, nhưng vẫn không lấy được trống về. Gấu Nâu còn suýt bị lão Báo vồ nữa. Bạn thì vừa bé nhỏ vừa chậm chạp, làm sao thắng được Báo chứ?
- Đừng lo cho tôi. Tôi đã có cách.
Dù bạn bè có khuyên ngăn, Rùa vẫn nhất quyết đi thẳng tới nhà Báo đòi lại trống.
Vừa trông thấy Rùa, Báo thét lên:
- Á à! Các ngươi lại cử người đến đòi lại trống à? Khôn hồn thì xéo ngay đi!
- Không phải đâu. – Rùa bình tĩnh trả lời – Tôi nghe bác Voi và Gấu Nâu nói cái trống của ông Báo còn nhỏ lắm nên tôi đến xem có thật như thế không. Bởi vì tôi biết có một cái trống to hơn của ông rất nhiều. Thật đáng tiếc cho ông vì ông lại sở hữu một cái trống tí hon.
- Thật… thật thế ư?
Báo nửa tin nừa ngờ, nó liền tháo mặt trống ra ngắm tới ngắm lui rồi nói:
- Cái trống này mà không to à? Nhìn xem… Nó to hơn mi nhiều lần đấy.
Rùa lắc đầu tỏ vẻ không tin:
- Nó không to đâu. Nếu ông Báo chui vào nằm gọn được trong trống thì trống mới thật là to.
Nghe Rùa thách thức, Báo gằn giọng:
- Được, ta sẽ cho mi xem ta có nằm gọn được trong trống không. Mi hãy giương to mắt ra mà nhìn nhé.
Nói xong, Báo chui vào trong trống. Ở bên ngoài, Rùa tiếp tục giả vờ:
- To gì mà to! Vẫn còn thò hai chân sau ra ngoài kìa.
Báo cố thu mình bỏ luôn hai chân sau vào. Rùa vẫn nói:
- Không, không. Còn cái đuôi vẫn thò ra đấy.
Báo lại cố hết sức cong người cho đuôi vào.
Rùa chỉ chờ có thế, lập tức, nó bịt mặt trống lại và đóng bồi thêm mấy chiếc đinh thật chắc. Rùa về nhà thông báo cho các con vật khác. Ban đầu các bạn không tin Rùa, nhưng khi đến nơi, tất cả con vật đều nhao nhao lên:
- Hoan hô bạn Rùa! Hoan hô bạn Rùa! Bạn Rùa giỏi quá!
Rồi các con vật cùng đốt lửa lên, nhảy múa và đánh trống ăn mừng. Ở trong trống, Báo vừa cựa quậy vừa la hét không ngừng:
- Con Rùa ngốc nghếch kia dám lừa ta hả? Thả ta ra… thả ta ra ngay…
Rùa đáp:
- Ha ha, người sợ rồi sao? Ngươi cứ ở trong đấy mà thưởng thức tiếng trống đi nhé.
Bác Voi tiếp lời:
- Nhiêu đó chắc cũng đủ khiến cho lão Báo khiếp sợ rồi đấy, cũng đủ cho lão ta một bài học rồi! Bây giờ chúng ta mở trống ra thôi!
Mặt trống được tháo ra, Báo chóng mặt ù tai quá, nó đi loạng choạng rồi chẳng may bước lùi vào đống lửa, làm bộ lông bị cháy khét lẹt. Nó sợ hãi cầu cứu, may mắn thay, nó đã được các bạn cứu thoát khỏi sự nguy hiểm. Từ đấy về sau, trên mình Báo cứ lốm đốm những mảng lông cháy đen, nên muôn loài gọi nó là Báo đốm.
Còn bạn Rùa, nhờ trí thông minh lấy lại được trống cho Sóc nên được các bạn thưởng một bộ áo giáp, đó là chiếc mai rùa vừa cứng vừa chắc. Rùa rất hạnh phúc với món quà mà các bạn đã tặng, chú giữ gìn rất cẩn thận và từ đó về sau, chú luôn đeo bộ áo giáp ấy trên lưng của mình.
Qua câu chuyện vừa rồi, chúng ta thấy đó, vì cậy mình to lớn, Báo đã cướp cái trống của Sóc Vàng chơi một mình để rồi cuối cùng Báo phải nhận lấy một kết cục thật đáng thương. “Cái trống của Sóc” là một câu chuyện rất hay về loài vật phải không các con? Câu chuyện khuyên nhủ chúng ta không nên ỷ mạnh hiếp yếu, đồng thời ca ngợi cách vận dụng trí thông minh trong cuộc sống. Ngoài ra, câu chuyện còn giải thích cho chúng ta biết được nguồn gốc của bộ lông lốm đốm trên da của loài báo và chiếc mai cứng chắc của loài rùa ngày nay nữa nè.
Các con ơi, các con đừng giành đồ chơi của bạn bè, hoặc của em nhỏ giống như bạn Báo đốm trong câu chuyện nha. Muốn chơi đồ chơi của người khác, chúng mình phải xin phép trước khi lấy chơi. Nếu người khác không đồng ý thì con phải trả lại cho bạn, còn nếu bạn đồng ý cho con mượn thì hãy giữ gìn món đồ thật tốt, đừng bôi bẩn, làm hư hỏng hoặc làm mất món đồ ấy các con nhé!
Muốn mượn đồ của bạn
Bé hãy hỏi nhẹ nhàng
Bạn vui lòng cho mượn
Mới được mang về dùng
Tự ý nghịch lung tung
Sẽ phiền lòng người khác.
Câu chuyện “Cái trống của Sóc” đến đây là hết rồi. Cô chúc cho các con luôn khỏe mạnh, chăm ngoan, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong câu chuyện tiếp theo của chương trình “Ươm hạt giống lành” kỳ sau nha.
Mến chào tạm biệt các con!
Phương Minh